Cùng với áp lực về tình trạng biến đổi khí hậu, dự báo sẽ có thêm 2 tỉ người nữa sống trên hành tinh này vào năm 2050 nhưng vẫn chỉ 40% diện...
Cùng với áp lực về tình trạng biến đổi khí hậu, dự báo sẽ có thêm 2 tỉ người nữa sống trên hành tinh này vào năm 2050 nhưng vẫn chỉ 40% diện tích đất đai có thể trồng trọt được, đó là thời cơ chín muồi để thúc đẩy cải tiến.
Khi nước Mỹ được thành lập 241 năm về trước, nông nghiệp là động lực chính của nền kinh tế nước này. Vào năm 1870, gần một nửa lao động có việc làm làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngày nay, đó là một ngành kinh tế trị giá 3 nghìn tỉ đô la Mỹ, nhưng chỉ 2% số hộ gia đình ở Mỹ làm công việc lâu đời này.
Sự thay đổi nói trên là nhờ vào công nghệ. Máy kéo và các cải tiến tự động hóa khác trong thế kỷ 20 cho phép các trang trại lớn chỉ cần một vài người để quản lý. Nhưng nghịch lý thay, điều này cũng đã làm chậm lại việc cải tiến trong thế kỷ 21. Với chỉ vài người làm việc trên mỗi cánh đồng, điều đó không giúp họ có đủ thời gian và động lực để cải tiến.
"Bạn chỉ có 40 lần thử nghiệm trong nông nghiệp. Từ năm 20 tuổi tới năm 60 tuổi, bạn chỉ có được 40 mùa vụ", Duncan Logan, người sáng lập kiêm CEO của RocketSpace - một công ty tăng tốc khởi nghiệp công nghệ, nói. "Nhưng với công nghệ, bạn sẽ có tới 40 lần thử nghiệm trong một tuần".
Nhưng ngay cả đất nông nghiệp cũng không tránh khỏi cuộc cách mạng thông tin. Ngày nay, có hàng trăm dự án khởi nghiệp công nghệ cho nông nghiệp và các chuyên gia cho rằng tình hình hiện nay khiến họ nhớ đến những ngày đầu của internet: có rất nhiều động thái trong nông nghiệp, nhưng chưa có ai cho thấy rõ họ thực sự thành công - thật khó để tuyên bố ai sẽ là Facebook hay Amazon tiếp theo trong lĩnh vực này. Cùng với áp lực về tình trạng biến đổi khí hậu, dự báo sẽ có thêm 2 tỉ người nữa sống trên hành tinh này vào năm 2050 nhưng vẫn chỉ 40% diện tích đất đai có thể trồng trọt được, đó là thời cơ chín muồi để thúc đẩy cải tiến, với một nguồn tài chính lớn.
"Không gian ngành công nghệ nông nghiệp hiện nay đang ở trong một tình thế kỳ lạ. Bạn không thể bỏ qua các nguyên tắc cơ bản", phó chủ tịch phát triển kinh doanh tại công ty AgTech Accelerator, ông Corey Huck nói. "Bạn phải sản xuất ra nhiều thứ hơn trong một diện tích giới hạn, và 70% lượng nước ngọt đã được sử dụng trong ngành nông nghiệp. Chúng ta phải làm nhiều thứ hơn nhưng lại có trong tay ít hơn, và cách duy nhất có thể làm được là công nghệ".
Từ các thiết bị thủy lợi được thiết kế nhằm đẩy lùi hạn hán đến các dự án công nghệ sinh học phát triển cây trồng thương mại, tạp chí Forbes đã xác định 25 dự án công nghệ cải tiến nhất trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp này. Tổng cộng, các dự án có hơn 400 triệu đô la Mỹ vốn tài trợ. Những khoản đầu tư này đến từ các tổ chức như Bill and Melinda Gates Foundation, Kholsa Ventures, GV (trước đây là Google Ventures), Monsanto Ventures và Andreessen Horowitz, cũng như các quỹ đầu tư mạo hiểm như quỹ Acre Ventures của Campbell Soup. Ngay cả đầu bếp của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đang tham gia vào cuộc chơi này.
Để tìm ra 25 dự án khởi nghiệp có tiềm năng nhất trong ngành công nghệ nông nghiệp, Forbes đã tiến hành khảo sát tổng quan ngành công nghệ nông nghiệp bằng cách làm việc với các chuyên gia, các nhà đầu tư mạo hiểm và các nhà tăng tốc khởi nghiệp (accelerator). Sau đó, tạp chí xem xét về tài chính và chứng nhận nông nghiệp của từng công ty. Một lời cảm ơn đặc biệt dành cho Seana Day tại Mixing Bowl cho nghiên cứu toàn diện của bà về toàn cảnh ngành công nghệ nông nghiệp.
Sắp xếp theo bảng chữ cái, dưới đây là danh sách 25 dự án này:
Vườn nho ở vùng Malibu của California. Ảnh: Mark
AgCode: Công ty quản lý vườn nho này giúp người trồng nho theo dõi việc thu hoạch, tình trạng của cánh đồng và quá trình chín của quả nho để tối đa hóa sản lượng và quản lý lao động. Có 7 nhà máy sản xuất rượu vang nức tiếng nhất nước Mỹ sử dụng công nghệ của AgCode. Vào tháng 2, họ đã đạt được một khoản đầu tư không tiết lộ giá trị từ Cavallo Ventures, cánh tay VC của Wilbur-Ellis.
AGERpoint: Dự án khởi nghiệp này sản xuất phần mềm dùng dữ liệu vệ tinh để quản lý các loại cây trồng lấy hạt và quả có múi. Dữ liệu này đủ chi tiết để cung cấp thông tin cụ thể từng cây, như kích thước tán cây hoặc đường kính thân cây. Công ty kỳ vọng sẽ ghi nhận lãi ngay trong năm 2017 với 3 triệu đô lỹ Mỹ doanh thu. AGERpoint cũng đã gọi vốn gần 9 triệu đô la Mỹ với mức định giá vào khoảng 30 triệu đô la Mỹ.
Arvegenix: Các cựu giám đốc điều hành của Monsato là những người điều hành Arvegenix, vốn là startup đang phát triển một loại cây trồng thương mại mới gọi là pennycress để trồng luân canh giữa hai vụ bắp và đậu nành. Vào mùa đông, chúng có thể bảo vệ đất khỏi bị xói mòn và lọc ô nhiễm nitơ, đồng thời giúp nông dân kiếm tiền. Hiện quỹ Monsanto Ventures đang dẫn đầu vòng tài trợ cuối cùng.
BluWrap: Dự án sử dụng kỹ thuật quản lý oxy đã được cấp bằng sáng chế để kéo dài tuổi thọ của protein tươi. BluWrap cho phép các nhà cung cấp protein tươi vận chuyển bằng đường biển để tiết kiệm chi phí hơn so với đường hàng không. Anterra Capital, quỹ đầu tư quốc tế chuyên về thực phẩm và nông nghiệp, đang là nhà đầu tư chính của công ty với số vốn 18,6 triệu đô la Mỹ.
Bovcontrol: Dự án quản lý gia súc này giúp nông dân theo dõi đàn gia súc của họ tốt hơn bằng cách sử dụng công nghệ điện toán đám mây. Bovcontrol theo dõi hàng tồn kho, tình trạng tiêm chủng, nhu cầu dinh dưỡng... Phần mềm của công ty được nông dân sử dụng ở mọi châu lục (trừ châu Nam cực).
BrightFarms: Nhu cầu về các sản phẩm tại địa phương đang bùng nổ, do đó BrightFarms đã xây dựng và vận hành các khu nhà kính ngay khu vực nội thành và ngoại ô. Công ty hợp tác với các siêu thị như Giant, ACME, Pick-n-save và đặt trang trại gần hoặc ngay tại cửa hàng nhằm bán ra sản phẩm tươi nhất. Dự án đã gọi được 57,9 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư cho đến nay.
Clear Labs: Startup khoa học này tạo ra cơ sở dữ liệu về nguồn cung thực phẩm của thế giới bằng cách nghiên cứu thực phẩm ở mức độ phân tử. Mục đích là sử dụng thông tin giúp các nhà bán lẻ thực phẩm chọn nhà cung cấp tốt nhất và tránh các loại thực phẩm mang mầm bệnh. Clear Labs đã nhận 21,2 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư từ Per Pitchbook, ngoài ra các nhà đầu tư khác còn có Khosla Ventures và GV.
CropX: Dự án khởi nghiệp của Israel này bán phần mềm sử dụng dịch vụ đám mây nhằm mục đích tăng năng suất cây trồng bằng cách tập trung vào việc tiết kiệm nước và năng lượng. Với cảm biến đặt trong cánh đồng, hệ thống sẽ tự động cung cấp chính xác lượng nước cho mỗi cây thay vì cùng lúc tưới nước cho toàn bộ cánh đồng. Được thành lập vào năm 2013, công ty này đã gọi được 10 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư.
Farmer's Edge: Một sản phẩm phần cứng và phần mềm sử dụng hình ảnh vệ tinh và công nghệ chính xác để giúp nông dân xác định, vẽ bản đồ và quản lý sự biến đổi đất nông nghiệp. Cho đến nay, startup này đã huy động được 94,3 triệu đô la Mỹ.
Farmer's Business Network: Công ty chuyên về big data này kết nối hơn 3.400 nông trại nhỏ với dữ liệu mở về cánh đồng, giá cung ứng và các thông tin khác cho phép họ cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn. Dự án này đã huy động được hơn 83 triệu đô la Mỹ từ các quỹ như GV và Double Bottom Line Partners.
FarmLead: Là một chợ trực tuyến về các loại hạt, FarmLead cho phép nông dân mở rộng ra ngoài thị trường địa phương và bán cho các thương nhân tốt nhất. Người mua và người bán có thể đăng ký miễn phí và thỏa thuận được đàm phán một cách ẩn danh. Monsanto Growth Ventures dẫn đầu vòng gọi vốn đầu tiên của công ty này.
FoodLogiQ: Việc thu hồi thực phẩm tiêu tốn khoảng 10 triệu đô la Mỹ của doanh nghiệp. FoodLogiQ nhắm đến mục tiêu giảm chi phí này bằng cách dùng dữ liệu để theo dõi chuỗi cung ứng (như thực phẩm) từ trang trại cho đến bữa ăn, đảm bảo việc thu hồi đúng loại thực phẩm. Dự án này đã làm việc với hơn 3.500 doanh nghiệp thực phẩm, bao gồm cả Whole Foods, Subway và Chipotle.
Ảnh: Full Harvest
Full Harvest: Khoảng 9 triệu tấn sản phẩm "không đạt mẫu mã" bị lãng phí ở Mỹ mỗi năm. Full Havest đang cố gắng giảm sự lãng phí này bằng cách xây dựng một chợ trực tuyến B2B, nơi nông dân có thể kết nối với các công ty thực phẩm để giảm lượng dư thừa hoặc các sản phẩm không hoàn hảo. Dự án này đã giành giải Innovation Award tại United Fresh, một trong những hội nghị về ngành sản xuất lớn nhất Mỹ.
Ảnh: Granular Stock Photo
Granular: Các nhà bán lẻ lớn nhanh chóng dựa vào phần mềm sử dụng dữ liệu để hỗ trợ họ theo dõi mọi thứ. Phần mềm của Granular thì giúp nông dân làm việc này, cho phép họ ưu tiên nguồn lao động, giám sát lợi nhuận, dự báo doanh thu và hơn thế nữa. Có 24 triệu đô la Mỹ đã được Granular huy động từ những quỹ đầu tư như Andreessen Horowitz, Tao Capital Partners và Khosla Ventures.
Mavrx: Phần mềm của dự án này cho phép nông dân hình dung được toàn bộ cánh đồng của họ ngay lập tức, đánh dấu những khu vực thiếu nước hoặc bạc màu và đánh giá hiệu quả thu hoạch. Cho đến nay, dự án đã huy động được hơn 22 triệu đô la Mỹ từ nhiều quỹ đầu tư khác nhau, trong đó có Bloomberg Beta, Crosslink Ventures...
mOasis: mOasis tạo ra một loại đất độn dạng gel không độc hại giúp hạt giống nảy mầm tốt hơn trong điều kiện thiếu nước. Loại đất này giúp giữ thêm nước trong khu vực đất gần rễ cây và giải phóng nước khi đất bị khô. Một thử nghiệm thực tiễn từ UC David cho thấy sản phẩm này làm tăng 30% năng suất của bông cải xanh nhưng sử dụng ít hơn 25% lượng nước.
Ảnh: Granular Stock Photo
Produce Pay: Được thành lập tại đại học Cornell năm 2014, startup về chuỗi cung ứng này nhắm đến mục tiêu giải quyết các vấn đề về lưu chuyển tiền bằng cách thanh toán sản phẩm ngay sau ngày giao hàng, thay vì 30-45 ngày. Dự án đã huy động được 13,4 triệu đô la Mỹ từ CoVentures và Menlo Ventures, cùng với 70 triệu đô la Mỹ vốn vay.
RipeIO: Các cựu nhà tài chính đang ứng dụng công nghệ blockchain vào chuỗi cung ứng thực phẩm. Các thuật toán của RipeIO phân tích dữ liệu để tính toán ngưỡng bền vững, cũng như các ngưỡng hư hỏng và mức độ an toàn. RipeIO gia nhập vào quỹ tăng tốc khởi nghiệp Terra Accelerator, vốn do Rabobank, RocketSpace và Nestle Mỹ hậu thuẫn.
S4: Công ty nông nghiệp chính xác có trụ sở Argentina này sở hữu một fintech có thể thanh toán cho các nhà sản xuất hoặc công ty trong chuỗi cung ứng khi gặp các rủi ro như lũ lụt hay hạn hán. Startup này đã huy động được 3,5 triệu đô la Mỹ trước khi gọi vốn vòng đầu và kỳ vọng đạt 2 triệu đô la Mỹ doanh thu vào cuối năm nay.
Sample6: Sample6 tuyên bố là "hệ thống phát hiện mầm bệnh thực phẩm nhanh nhất thế giới" với thời gian phát hiện ra lỗi trong vòng 6 giờ. Sản phẩm của dự án này có thể xác định mầm bệnh và các loại vi khuẩn thuộc hệ listeria trong cây trồng. Doanh nghiệp đã huy động hơn 30 triệu đô la Mỹ từ quỹ đầu tư mạo hiểm Acre Venture Partners của Campbell Soup hay Sam Kass, cố vấn chính sách kiêm bếp trưởng riêng của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama.
Spensa Technologies: Phần mềm của hãng này giúp nông dân theo dõi cánh đồng, phần cứng Z-Trap của Spensa cho phép nông dân theo dõi vật gây hại trong cánh đồng bằng cách bẫy và xác định các loài bọ. Spensa Technologies đã nhận được tài trợ từ Quỹ khoa học quốc gia để phát triển phần cứng và cũng huy động được hơn 5 triệu đô la Mỹ tài trợ bên ngoài cho đến nay.
Strider: Startup quản lý nông trại có trụ sở Brazil này bán ứng dụng chuyên giám sát vật hại, cho phép nông dân theo dõi và quyết định cách xử lý chúng. Dự án đã huy động được 5 triệu đô la Mỹ từ các quỹ như Qualcomm Ventures.
SWIIM: Còn được gọi là dự án Quản lý bền vững nguồn nước và cải tiến thủy lợi. Quy trình đã được cấp bằng sáng chế của SWIIM giúp theo dõi trữ lượng nước và tính toán dữ liệu. Quy trình này cho phép các trang trại và công ty dịch vụ cộng đồng, vốn sử dụng một lượng lớn nước, quản lý tốt việc sử dụng nước. Các đối tác của SWIIM bao gồm Hiệp hội nông dân miền Tây, trong khi đó khách hàng của dự án này có nhà cung cấp nước Metropolitan Water District tại California.
Ảnh: Terviva
Terviva: Công ty có trụ sở Oakland này trồng cây đậu dầu (pongamia) tại Mỹ. Đây là loại cây vốn có nguồn gốc từ Australia và Ấn Độ. Hạt của chúng có thể được chiết lấy dầu với sản lượng cao hơn gấp 10 lần so với đậu nành và có tiềm năng tạo ra một loại nhiên liệu sinh học. Công ty này được định giá 32 triệu đô la Mỹ sau khi huy động được 15 triệu đô la Mỹ.
Ảnh: Trace Genomics
Trace Genomics: Sử dụng khả năng học hỏi của hệ thống máy móc (machine learning) và xét nghiệm di truyền (genomics testing), Trace Genomics có thể xác định vi khuẩn và các dữ liệu sinh học khác trong đất, giúp nông dân tối đa hóa sản lượng. Dự án đã huy động 4 triệu đô la Mỹ để phát triển công nghệ và đã làm việc với những tổ chức lớn trong ngành nông nghiệp như Hiệp hội nông dân miền Tây và Driscoll.
Nguồn: forbesvietnam.com.vn