Nhật Bản là một nước công nghiệp cũng là một quốc gia có chiều dài từ Bắc xuống Nam tương tự Việt Nam, địa hình kéo tới hơn 25 vĩ độ; phía B...
Nhật Bản là một nước công nghiệp cũng là một quốc gia có chiều dài từ Bắc xuống Nam tương tự Việt Nam, địa hình kéo tới hơn 25 vĩ độ; phía Bắc là khí hậu ôn đới, có nhiều tháng tuyết phủ, phía Nam khí hậu khá ấm áp.
Diện tích đứng thứ 62 thế giới (Việt Nam thứ 66), tài nguyên không giàu, dân số trên 120 triệu người, hiện chỉ còn 3,9% số lao động làm nông nghiệp.
Thu hoạch rau bằng cơ giới hóa
Hiện nay, Nhật Bản sản xuất rau quả trong nước mới đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu tiêu thụ nội địa, số còn lại phải nhập khẩu, tuy nhiên tiêu chuẩn kỹ thuật khá cao, đặc biệt việc kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm, các chỉ tiêu phân tích, đánh gía lên tới hàng trăm. Nước này cũng xuất khẩu những mặt hàng rau quả cao cấp của họ tới các thị trường khác trên thế giới và được đánh giá cao về chất lượng, độ đồng đều, an toàn thực phẩm.
Vậy sản xuất và phân phối rau an toàn ở quốc gia này thế nào? Chúng ta sẽ học được gì từ kinh nghiệm của xứ sở mặt trời mọc? Xin được bàn luận và dẫn ra một số cách tiếp cận của họ.
GAP ở Nhật Bản thế nào?
Việc xây dựng tiêu chuẩn sản xuất an toàn ở Nhật Bản có Ủy ban chung về GAP. Dưới cơ quan này là một cơ quan chịu trách nhiệm về tập huấn, phổ biến GAP, họ đứng ra đào tạo Xây dựng sản xuất an toàn JGAP (Japanese GAP).
JGAP cho người sản xuất với gần 4.000 giảng viên. Một cơ quan chịu trách nhiệm về cấp phép, họ cấp cho 4 đơn vị chứng nhận với 123 chứng nhận viên. Các chứng nhận viên này có nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá và giám sát người sản xuất có yêu cầu chứng nhận và chịu trách nhiệm về chất lượng chứng nhận trước cơ quan của họ.
Xây dựng JGAP, cách tiếp cận rất mở và là từ dưới lên; người sản xuất, các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đóng góp cho việc xây dựng và ban hành tiêu chuẩn này. JGAP cũng thường xuyên được sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của thị trường, của người tiêu dùng.
Hành lá sản xuất theo tiêu chuẩn JGAP ở Ibaraki, Nhật Bản
Về việc chứng nhận, thời điểm này Nhật Bản được yêu cầu chứng nhận sản phẩm theo các tiêu chuẩn JGAP hoặc Globle GAP vì năm 2020 thế vận hội Olympic được tổ chức ở đất nước này, theo đó, các thực phẩm (rau, gạo, sữa, thịt…) phải được chứng nhận. Thực ra, họ không đặt nặng vấn đề chứng nhận vì tốn tiền của nông dân, cứ thấy cách thức nông dân Nhật làm, sự minh bạch trong việc thể hiện, ghi chép sản xuất và công khai thông tin sản xuất, nó còn có giá hơn cái tờ giấy chứng nhận kia nhiều.
Ở Nhật, các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, doanh nghiệp rất chú trọng tới việc tổ chức trải nghiệm cho người tiêu dùng ở thành phố với các vùng, điểm sản xuất, đó cũng chính là hình thức du lịch trải nghiệm đồng quê để chia sẻ với nhau về nỗi cực nhọc của nông dân và họ làm thế nào để sản phẩm rau, thịt, sữa… đảm bảo an toàn thực phẩm. Chính vậy người tiêu dùng rất tin tưởng vào các sản phẩm nông sản của nước họ sản xuất.
Tiêu chuẩn JGAP xây dựng dựa trên sườn của GlobleGAP và mang tính bao quát, tuân thủ các quy định của Luật An toàn thực phẩm, tuy vậy các tỉnh cũng xây dựng các tiêu chuẩn riêng của mình, các doanh nghiệp lớn cũng có tiêu chuẩn riêng về an toàn thực phẩm với sản phẩm rau quả của địa phương, công ty chẳng hạn như AEON.
Tiêu chuẩn này có thể đơn giản hơn, nhưng phần lớn là cao hơn tiêu chuẩn nền chung. Họ nói rằng, với nông dân cần đưa ra các điểm đơn giản, dễ hơn để thực hiện, và khi ý thức sản xuất an toàn đã ăn vào máu thịt thì tiêu chuẩn được nâng lên, nâng lên là để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, và bản thân doanh nghiệp, tổ hợp tác cũng như nông dân cũng luôn ý thức được rằng, cần phải làm tốt hơn và tốt hơn nữa để đảm bảo chữ tín với thị trường, trách nhiệm với xã hội và người tiêu dùng. Chưa khi nào người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm mà nông dân sản xuất.
Nhật ký ghi chép sản xuất của nông dân Nhật Bản
Hiện tại, các tiêu chí khuyến khích được đưa ra để đánh giá và bình chọn sản phẩm nông sản, đó là thân thiện với môi trường, giảm sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật từ 30 - 50%. Thực ra trong cả một vụ trồng rau (ví dụ cải bắp), số lần phun thuốc bảo vệ thực vật trước đây bình quân là 6 - 7 lần, hiện với quy trình kỹ thuật mới đã rút còn 3 - 4 lần. CHIBA-ECO là một trong những tiêu chuẩn như vậy, nhưng phải nói rằng, nông dân tuân thủ nghiêm ngặt sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ chủng loại, đến liều lượng và họ ghi chép tỷ mỉ, cảnh báo tỷ mỉ để không bị nhiễm chéo...
Tổ chức sản xuất
Sản xuất rau, dù là các hộ nông dân hay các hợp tác xã, việc lập kế hoạch sản xuất dựa trên các đơn đặt hàng được làm rất cẩn trọng và chu đáo. Nông dân không hề sản xuất chạy theo phong trào, tất cả nhất định phải theo kế hoạch, mà kế hoạch này gắn với tiêu thụ ở trong vùng và liên vùng, được các cơ quan quản lý của ngành hướng dẫn và giám sát. Đây là những lý do không hề có chuyện “được mùa, mất giá” ở Nhật.
Ruộng bắp cải sản xuất theo tiêu chuẩn JGAP
Hợp tác xã được tổ chức chặt chẽ và họ tham gia sản xuất kinh doanh đa ngành, kể cả tín dụng và du lịch.
Sản xuất ở Nhật cũng chuyên môn hóa sâu, vì vậy nó tạo được thương hiệu sản phẩm cho từng vùng, ví dụ dưa hấu là vùng Hokkaido hay Chiba, hành lá ở Ibaraki… Sản phẩm khi thu hoạch đưa vào siêu thị phải đảm bảo độ đồng đều cực cao, với hệ thống chế biến phân loại hiện đại; ngay cả cải bắp khi thu hoạch, những cây bắp cải dù rất bắt mắt, sạch sẽ nhưng khối lượng, kích thước nhỏ hơn quy định đều bị bỏ lại ruộng cày vùi làm phân bón.
Nhật Bản là quốc gia thuộc "tốp đầu" trong việc nghiên cứu về vi sinh vật, đặc biệt việc ứng dụng vi sinh trong phân bón. Phân bón cho sản xuất rau ở đây phần nhiều là hữu cơ vi sinh. Bón như thế nào, bao nhiêu đều dựa trên các khảo sát và phân tích dinh dưỡng đất một cách thường xuyên.
Câu hỏi được đặt ra là, trường hợp bất thuận, rau mất mùa, năng suất và sản lượng thấp, cung không đáp ứng cầu thì họ xử lý thế nào? Và trường hợp thời tiết thuận lợi, năng suất sản lượng rau cao, cung vượt cầu (yếu tố kéo giá)?
Chính sách điều tiết liên vùng của Nhật Bản rất tốt và khi vùng nào đó mất mùa do gặp thiên tai, rau, thực phẩm được nhà nước điều tiết và huy động từ các vùng khác, nhập khẩu và từ nguồn dự trữ. Còn trường hợp dư thừa, nhà nước trả tiền cho nông dân để có thể tiêu hủy, cày vùi luôn một phần diện tích rau làm phân bón. Do vậy mà không có tình trạng “dội chợ” như Việt Nam. Họ để đất nghỉ, bỏ hóa và có thể gieo trồng mạch, kê hay cây họ đậu rồi cày vùi cải tạo đất được làm luân phiên, vì vậy đất của họ rất tốt, tơi xốp và rất giầu mùn. (Ở Việt Nam, đất để hoang hóa một vụ là có chuyện rồi; mặc dù lý do là sản xuất không hiệu quả, là ở những vùng xen kẹp, khó khăn cho canh tác…).
Quỹ ổn định giá
Để ổn định giá cả thị trường, nhất là với rau, quỹ ổn định giá nông sản được chính phủ thành lập và giao cho một đơn vị điều hành có tên “Agricultural and Livestock corporation” viết tắt là “ALIC” thực hiện.
Quỹ này chịu trách nhiệm ổn định giá không chỉ với rau mà cả các sản phẩm chăn nuôi. Mục tiêu là ổn định sản xuất cho nông dân, không để xảy ra tình trạng “khủng hoảng” các sản phẩm nông sản. 60% quỹ được nhà nước Trung ương lo liệu; 20% do cấp tỉnh chịu trách nhiệm và 20% đóng góp từ doanh nghiệp tham gia và nông dân. Sản xuất của các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã tham gia tự nguyện vào quỹ này chịu sự kiểm soát chặt chẽ của ALIC.
Sơ chế và bao gói hành
Kế hoạch sản xuất, tiêu thụ được xây dựng chi tiết và được kiểm duyệt bởi cơ quan quản lý nhà nước, ngay cả chủng loại rau cũng được chỉ định thì mới đủ tiêu chí tham gia. Thực chất giống như quỹ bình ổn giá song lại chủ động từ trước chứ không bị động, quỹ này tương tự bảo hiểm song họ không lo "vỡ quỹ" như ở Việt Nam. Không thể lợi dụng kẽ hở, càng không thể mượn cớ để trục lợi từ quỹ này. Quả là một cách làm mà ngay cả bảo hiểm cần học tập.
Phân phối sản phẩm
Khâu bán và phân phối sản phẩm của Nhật Bản khá đa dạng. Hệ thống chợ đầu mối và những phiên đấu giá mang dáng dấp công nghiệp, hiện đại. Chỉ riêng Tokyo đã có tới vài chục chợ đầu mối với quy mô từ 20 đến trên 50ha và hệ thống kho lạnh kho mát hoàn hảo. Hệ thống phân phối khép kín với những quy định chặt chẽ từ sản xuất, thu mua và chế biến như PAL SYSTEM.
Hiện nay nhiều hợp tác xã tổ chức các cửa hàng bán sản phẩm nông sản cho xã viên, xã viên mang sản phẩm tới bày trên kệ hàng đã được hợp đồng, mỗi hộ có mã số, mã vạch riêng để truy nguyên nguồn gốc, và cửa hàng thu tiền, giúp nông dân, giá tùy thuộc chất lượng, mẫu mã để người tiêu dùng có thể chấp nhận, đây là hình thức bán hàng ủy thác hiện đang mở rộng.
Một kiểu bán trực tiếp (Direct Sale) cũng đã xuất hiện và một nhóm người tiêu dùng đặt hàng thẳng cho nông hộ, trang trại để lấy nông sản hàng tuần cho nhóm mình sử dụng. Kiểu này được đánh giá là có độ tin cậy vì quen biết và địa chỉ rõ ràng, giám sát được song lại đỡ công chứng nhận, bao gói.
“Nông dân Nhật Bản sản xuất rau an toàn bằng cả trái tim”. Đây là câu mà chúng tôi được nghe tại một hợp tác xã sản xuất hành lá ở tỉnh Ibaraki. Và khắp nơi trên đất nước này, ý thức và nguyên tắc, tính kỷ luật của người dân là như vậy. Đúng là chất lượng, mức độ an toàn phải từ cái tâm của người sản xuất.
Nguồn : Trần Xuân Định (nongnghiep.vn)